Lúa mùa nước nổi - giống lúa truyền thống chỉ có riêng ở vùng Tứ giác Long Xuyên

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn trường ĐH An Giang thực hiện chương trình duy trì và phát triển diện tích trồng lúa mùa nước nổi, giống lúa truyền thống chỉ có riêng ở vùng Tứ giác Long Xuyên.

Giống lúa truyền thống chỉ có riêng ở vùng Tứ giác Long Xuyên
Giống lúa truyền thống chỉ có riêng ở vùng Tứ giác Long Xuyên

Theo đó, 60 ha lúa mùa nổi được gieo trồng ở xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn trên đất trũng thấp, nhiễm phèn và không thể trồng được giống lúa ngắn ngày. Bà con xã Vĩnh Phước cho biết, năm nay năng suất lúa vẫn đạt khoảng hơn 1 tấn/ha dù so với mọi năm dù thời tiết không thuận lợi cho mùa vụ do mức nước nổi thấp. Bà con nông dân thêm phấn khởi là giá bán lúa mùa nổi tươi tại ruộng cao gần gấp ba lần giá lúa thường, khoảng 12.000 đồng/kg. Nhu cầu của thị trường rất lớn nên bà con thu hoạch không đủ bán. Số phụ phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch như rơm rạ rất tốt để bón ruộng trồng hoa màu, làm giá thể trồng rau theo hướng dẫn của các nhà nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu & phát triển nông thôn trường ĐH An Giang cũng góp phần đem lại thu nhập cao cho người nông dân.

Qua các mùa vụ, Trung tâm đều tổng hợp các số liệu để phân tích, đánh giá. Theo những ghi nhận này, ưu thế của lúa mùa nổi vượt trội so với lúa thường, đặc biệt là lúa vụ ba. Ví dụ cùng trên 1.000m2 đất ở vùng Vĩnh Phước, việc canh tác lúa ba vụ sẽ mất 276 ngày/năm, tổng chi phí trên 5,74 triệu đồng, tổng thu hơn 9,44 triệu đồng, lời 3,7 triệu đồng. Nhưng nếu trồng lúa mùa nổi, sau đó phụ phẩm nông nghiệp là gốc rạ trồng mì với kỹ thuật khá đơn giản thì hiệu quả khác biệt: dù mất gần 322 ngày/năm và tổng thu 7,14 triệu đồng nhưng chi phí đầu tư chỉ ở mức 1,66 triệu đồng, đem lại món lời 5,48 triệu đồng. Trong trường hợp dùng gốc rạ lúa mùa nổi trồng kiệu (đòi hỏi kỹ thuật cao hơn), thời gian canh tác mất 315 ngày/năm, vốn đầu tư đòi hỏi cao, quãng 15,84 triệu đồng nhưng tổng thu lớn hơn 53,15 triệu đồng. Vì vậy lợi nhuận cao gấp 10 lần so với canh tác lúa ba vụ, ước đạt 37,3 triệu đồng/1.000m2/năm.

Thêm một ưu điểm nữa là việc canh tác lúa mùa nổi hoàn toàn không dùng phân hóa học hay thuốc trừ sâu, nguồn nước cung cấp cho lúa chủ yếu là nước lũ tràn về trên các nhánh sông Cửu Long. Vì vậy người tiêu dùng không phải lo về dư chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm như với nhiều loại lúa khác. Đây là yếu tố đem lại thương hiệu “gạo siêu sạch” cho giống lúa này.

Nhằm phát huy những ưu điểm này, Hội thảo tổng kết giữa kỳ về kết quả nghiên cứu lúa mùa nổi do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông thôn trường ĐH An Giang cùng với UBND xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (An Giang) phối hợp tổ chức vào cuối năm 2014. Dự kiến đến năm 2016, diện tích lúa mùa nổi tăng sẽ khoảng 100 ha, đến 2030 trên 500 ha. Việc bảo tồn lúa mùa nổi không chỉ tránh cho giống lúa quý này bị thoái hóa mà còn góp phần đem đến những lợi ích khác như bảo vệ môi trường, chứa nước mùa lũ, phát triển đàn cá đồng tự nhiên, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho cho địa phương.

Comments

Popular Posts